Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

Thời phục hưng của ngân hàng bán lẻ


Theo Jonathan Rosenthal , internet và điện thoại di động từ lâu đã biến lĩnh vực ngân hàng bán lẻ già cỗi và buồn tẻ thành một ngành thú vị và sôi động.


Ngân hàng internet Wingspan, trong chiến dịch tiếp thị khi ra đời vào năm 1999, đã hùng hồn tuyên ngôn: “Nếu có thể có một khởi đầu mới, ngân hàng của bạn sẽ thành một ngân hàng như thế này” [một ngân hàng internet như Wingspan- Gafin]. Năm tiếp theo, ngân hàng này biến mất. Bank One của Mỹ (hiện là một phần của JPMorgan) mua lại ngân hàng này vào tháng 9/2000, vài tháng sau sự cố vỡ bong bóng dotcom. 

Internet từng rất được hy vọng sẽ biến đổi hoạt động ngân hàng. Nhưng hầu hết các ngân hàng internet khác ra đời lúc đó đều chịu chung số phận. Citi f/i, ngân hàng trực tuyến do Citigroup lập ra, cũng nhập lại vào công ty mẹ năm 2000. NetBank, ngân hàng internet tiên phong của Mỹ tồn tại lâu hơn cả, cuối cùng cũng bị các cơ quan quản lý hoạt động ngân hàng đóng cửa vào năm 2007. Bên kia Đại Tây Dương, Egg, ngân hàng internet độc lập đầu tiên của Anh, làm thị trường ngạc nhiên khi thu hút hơn 2 triệu khách hàng trong những 
tháng đầu ra mắt năm 1999-2000. Nhưng ngân hàng này rồi cũng biến mất sau vài năm. Khách hàng của Egg đầu tiên bị bán lại cho Citigroup và sau đó cho Barclays và Yorkshire Building Society. Đây là một kết cục đáng quên cho những thử nghiệm táo bạo với hoạt động ngân hàng trực tuyến,vốn từng làm cho các trung tâm ngân hàng trên toàn thế giới cảm thấy bất an.

Những hứa hẹn của hoạt động ngân hàng internet dường như rất rõ ràng. Hơn hầu hết các ngành khác, hoạt động ngân hàng phần lớn đã được số hóa. Tại hầu hết các nước giàu, lượng tiền mặt người dân mang trong ví chỉ chiếm một phần nhỏ trong tài sản và chỉ sử dụng cho một phần nhỏ chi tiêu. Phần còn lại nằm ở dạng ghi nợ và dạng dữ liệu điện tử trong trung tâm dữ liệu của ngân hàng.

Hơn nữa, ít người hứng thú với hoạt động ngân hàng. Nếu có cách thay thế việc xếp hàng đợi đến lượt phục vụ tại một chi nhánh, chắc chắn khách hàng lập tức chọn. Rốt cuộc, rất nhiều cửa hàng sách và băng đĩa nhạc đã phải đóng cửa vì xu hướng chuyển sang mua trực tuyến, dù việc đi xem và ngắm nghía hàng trong các cửa hàng khá vui vẻ và thư giãn. Còn đến ngân hàng thì không có nhiều niềm vui như vậy.



Nhưng trên thế giới ngày nay, số ngân hàng có phòng giao dịch trên phố, không kể một ít nước giàu, đã tăng 10-20% so với một thập niên trước. Thay vì loại bỏ các ngân hàng, internet đã làm chúng trở nên tiện dụng và thuận tiện hơn. Thông thường, các ngân hàng đều bổ sung dịch vụ internet banking (ngân hàng internet), mobile banking (ngân hàng di động) và thậm chí video banking (ngân hàng điện thoại có hình) vào danh mục dịch vụ cung cấp. Nhưng tất cả các ngân hàng đều đã mở rộng mạng lưới chi nhánh.

Nhìn lại, những năm trước khủng hoảng tài chính là thời kỳ vàng son của các ngân hàng. Thậm chí những ngân hàng trì trệ nhất cũng có thể kiếm dược doanh thu cao bằng cách chấp nhận mạo hiểm. Và chỉ vài ngân hàng thực sự quan tâm đến việc cố gắng cắt giảm chi phí ngay từ lúc doanh thu của họ đang tăng mạnh do bong bóng nợ. Theo Simon Samuels, nhà phân tích đầu tư tại Barclays, từ giữa những năm 1990 ngân hàng bán lẻ quy mô lớn của châu Âu đã tìm cách cắt giảm chi phí tương ứng với doanh thu trung bình ở mức 0,3%/năm. Nhưng thậm chí con số khiêm tốn này cũng đã bị người ta “xử lý”. Samuels tính toán rằng chi phí trong thời kỳ này tăng trung bình 8%/năm. Điều duy nhất cứu rỗi các ngân hàng là doanh thu tăng nhanh hơn đôi chút. 

Hậu quả của bóng bóng nợ nghiêm trọng hơn so với những gì người ta nhìn thấy. Trong việc khuyến khích các ngân hàng toàn cầu mở rộng lĩnh vực đầu tư, và một vài ngân hàng bán lẻ học đòi sử dụng những công cụ ngoại lai mà họ không phải lúc nào cũng hiểu rõ và bỏ qua hoạt động kinh doanh hàng ngày. Điều này chứng tỏ thậm chí các ngân hàng bán lẻ buồn tẻ cũng có thể bị bơm thành bong bóng. Nhưng hoạt động ngân hàng bán lẻ cơ bản vẫn là nguồn lực chính tạo lợi nhuận.

Hãng tư vấn McKinsey cho rằng hoạt động này chiếm già nửa doanh thu hàng năm của các ngân hàng trên thế giới, đạt 3,4 nghìn tỷ USD năm 2010 (xem biểu đồ trên).

Trong dài hạn, hoạt động này cũng chứng minh là nguồn lực đáng tin cậy nhất để tạo ra lợi nhuận ổn định và doanh thu trên đầu cổ phiếu cao. Xếp hạng một loạt các ngân hàng lớn nhất trên thế giới theo lợi nhuận trên cổ phiếu có tương quan chặt chẽ với tỷ lệ doanh thu từ hoạt động ngân hàng bán lẻ của họ chứ không phải từ hoạt động ngân hàng đầu tư.



Trong những năm bong bóng, hoạt động ngân hàng bán lẻ là lựa chọn cuối cùng đối với các nhà quản lý nhiều tham vọng. Lương và thù lao tại các ngân hàng đầu tư luôn cao hơn, và các văn phòng sang trọng ở vị trí đẹp tại các ngân hàng sẽ được dành cho các vị trí lãnh đạo, vốn có sự thăng tiến từ các hoạt động ngân hàng đầu tư. Nhưng gần đây, hoạt động ngân hàng bán lẻ ngày càng được chú ý nhiều hơn, vì nhiều lý do.

Thứ nhất là sự cần thiết của loại hình này. Tại thế giới giàu có, tình trạng vỡ bong bóng nợ, kinh tế trì trệ và lãi suất thấp đã làm thay đổi kinh tế thương mại. Các ngân hàng hiện đang phải buộc những người tài năng nhất của họ làm việc tại bộ phận bán lẻ nhằm cắt giảm chi phí và khôi phục lợi nhuận.

Thứ hai, công nghệ đang thay đổi rất nhanh. Điện thoại di động thông minh (smartphone) đang khuyến khích người tiêu dùng tương tác với ngân hàng theo những phương thức mới. Công nghệ cũng hứa hẹn biến đổi về cơ bản mô hình sinh lời của các sản phẩm có biên lợi nhuận thấp như việc xử lý các thanh toán. Với những công cụ mới lưu trữ và xử lý khối lượng dữ liệu khổng lồ, ngân hàng và các hãng công nghệ như Google và PayPal hy vọng biến đổi hoạt động kinh doanh của thẻ tín dụng. Thay vì chỉ đưa ra hướng dẫn về việc chuyển tiền có thể chỉ đáng vài xu lẻ, thông tin xuất hiện cùng với việc thanh toán có thể mang lại cơ hội mới về quảng cáo và bán hàng có giá trị cao hơn hàng trăm lần.

Tải toàn bộ báo cáo tại đây: Thời phục hưng của ngân hàng bán lẻ

Theo Thanhtoanhoadon.vn - Thanh toan hoa don truc tuyen
Categories:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét