Bao thanh toán là một công cụ tài chính nhằn huy động vốn và giảm thiểu rủi ro trong quá tình thanh toán cho các doanh nghiệp. Bao thanh toán được sử dụng rộng rãi trên thế giới nhưng vẫn là một khái hiệm tương đối mới mẻ tại Việt Nam. Nghiên cứu về bao thanh toán dưới các góc độ tài chính và kế toán sẽ giúp các doanh nghiệp có thể sử dụng công cụ này một cách có hiệu quả. Tiếp theo bài “Kế toán quan hệ bao thanh toán” của tác giả Ngô Hà Trung (Tạp chí Kế toán số tháng 12/2006), bài viết này muốn phân tích sâu hơn về dịch vụ bao thanh toán.
Bao thanh toán là gì?
Bao thanh toán (factoring) là một dịch vụ tài chính trọn gói, kết hợp giữa việc tài trợ vốn lưu động, phòng ngừa rủi ro tín dụng, theo dõi công nợ và thu hồi nợ. Dịch vụ bao thanh toán được thoả thuận giữa đơn vị bao thanh toán (factor) với đơn vị bán hàng. Đơn vị bao thanh toán thường là các ngân hàng, tổ chức tài chính hoặc các công ty bảo hiểm. Đơn vị bao thanh toán sẽ đại diện cho đơn vị bán hàng thực hiện các nghiệp vụ theo dõi công nợ và thu hồi nợ, đồng thời dựa trên tổng số nợ phải thu hồi, đơn vị bao thanh toán sẽ cung cấp vốn cho đơn vị bán hàng trước thời hạn thu hồi nợ. Ngược lại đơn vị bán hàng sẽ phải trả cho đơn vị bao thanh toán một khoản phí dịch vụ cũng như lãi tín dụng cho khoản tiền ứng trước.
Có hai hình thức bao thanh toán: bao thanh toán có quyền truy đòi (recourse factoring) và bao thanh toán không có quyền truy đòi (non-recourse factoring). Bao thanh toán có quyền truy đòi là hình thức bao thanh toán trong đó đơn vị bao thanh toán có quyền truy đòi lại số tiền đã ứng trước cho đơn vị bán hàng khi bên mua hàng không có khả năng hoàn thành nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ. Nói cách khác, đơn vị bán hàng vẫn phải gánh chịu rủi ro về nợ khó đòi. Bao thanh toán không có quyền truy đòi là hình thức bao thanh toán trong đó đơn vị bao thanh toán không có quyền truy đòi lại số tiền đã ứng trước cho đơn vị bán hàng khi bên mua hàng không có khả năng hoàn thành nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ. Nói cách khác, đơn vị bán hàng không phải gánh chịu rủi ro về nợ khó đòi mà đơn vị bao thanh toán phải gánh chịu toàn bộ rủi ro đó.
Dịch vụ Bao thanh toán trên thế giới và ở Việt Nam
Dịch vụ bao thanh toán được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Hiệp hội bao thanh toán quốc tế ( Factoring Chain International - FCI) được thành lập từ năm 1968, có trụ sở ở Amsterdam – Hà Lan. Hiện nay FCI có 216 thành viên ở 62 quốc gia trên thế giới. Dịch vụ bao thanh toán trên thế giới rất sôi động đối với cả hai mảng bao thanh toán nội địa và bao thanh toán quốc tế. Tổng doanh thu của FCI năm 2005 là 1.016.547 triệu euro.
Ở Việt Nam, ngày 06/9/2004 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ký Quyết định số 1096/2004/QĐ-NHNN về việc ban hành Qui chế hoạt động bao thanh toán của các tổ chức tín dụng. Tháng 4/2005 dịch vụ bao thanh toán đã chính thức xuất hiện ở thị trường Việt Nam. Đến nay đã có 11 đơn vị cung cấp dịch vụ này, trong đó 4 ngân hàng Việt Nam bao gồm ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu, ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín và ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ Thương là thành viên của FCI. Dịch vụ bao thanh toán ở Việt Nam còn rất khiêm tốn, doanh thu năm 2005 chỉ là 2 triệu euro, một con số vô cùng nhỏ nhoi trong tổng doanh thu của FCI trên toàn thế giới. Hơn nữa doanh thu dịch vụ bao thanh toán ở Việt Nam chỉ là doanh thu bao thanh toán nội địa. Thực tế cho thấy hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều chưa biết đến loại dịch vụ này, trong khi dịch vụ này đặc biệt quan trọng đối với các nhà xuất khẩu. Nghiệp vụ kinh doanh xuất khẩu sẽ có nhiều rủi ro hơn so với kinh doanh nội địa, đặc biệt là vấn đề thanh toán. Nếu các nhà xuất khẩu yêu cầu các nhà nhập khẩu phải mở L/C thì có thể sẽ mất các hợp đồng xuất khẩu đối với các nhà nhập khẩu lớn vì họ sẽ thường chỉ chấp nhận hình thức trả sau. Sử dụng dịch vụ bao thanh toán xuất khẩu sẽ giúp các nhà xuất khẩu thực hiện được các loại hợp đồng này và chuyển nhượng được rủi ro có thể phát sinh trong quá trình thanh toán khi bán hàng ra nước ngoài.
Thị trường dịch vụ bao thanh toán ở Việt Nam còn nghèo nàn như vậy là do nhiều nguyên nhân khác nhau. Ngoài các nguyên nhân khách quan là dịch vụ bao thanh toán còn quá mới mẻ ở Việt Nam nên chưa được các doanh nghiệp biết đến và những khó khăn gặp phải khi giao dịch với đơn vị bao thanh toán, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là các doanh nghiệp vẫn chưa hiểu rõ về dịch vụ bao thanh toán. Các doanh nghiệp còn chưa rõ về các lợi ích và chi phí phát sinh khi sử dụng dịch vụ bao thanh toán, chưa biết cần tìm hiểu và phân tích những thông tin gì trước khi ra quyết định có nên sử dụng dịch vụ này hay không.
Lợi ích khi sử dụng bao thanh toán
Do đơn vị bao thanh toán cung cấp tiền cho đơn vị bán hàng trước thời hạn thu hồi nợ (có thể lên tới 85% tổng nợ phải thu), đơn vị bán hàng sẽ cải thiện được đáng kể dòng tiền lưu chuyển, từ đó có tác động tích cực đến rất nhiều các vấn đề tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị. Đơn vị có thể thanh toán cho nhà cung cấp của mình đúng thời hạn hơn và có thể được hưởng các khoản chiết khấu thanh toán từ các nhà cung cấp. Bên cạnh đó, do có đủ tiền để thanh toán cho số hàng mình cần, đơn vị bán hàng có thể duy trì được mức hàng hoá, vật tư dự trữ hợp lý nhất, tránh tình trạng “cháy kho”.
Một ích lợi quan trọng khác mà dịch vụ bao thanh toán mang lại cho các đơn vị bán hàng là nó đem lại nguồn lực tài chính tài trợ cho nhu cầu phát triển của đơn vị. Có rất nhiều trường hợp các doanh nghiệp tăng trưởng quá nhanh nhưng không cân đối được năng lực tài chính, dẫn đến tình trạng mất khả năng thanh toán nghiêm trọng, mặc dù các đơn vị này bán được rất nhiều hàng, lợi nhuận trên báo cáo kết quả kinh doanh lớn nhưng không có tiền để quay vòng vốn kinh doanh do bị ứ đọng vốn quá lớn trong nợ phải thu của khách hàng. Dịch vụ bao thanh toán giúp các đơn vị bán chuyển đổi nhanh chóng các khoản nợ phải thu ở khách hàng thành tiền mặt nên các đơn vị bán có thể yên tâm tài trợ vốn cho sự tăng trưởng của mình thông qua việc bán hàng mà không cần đến các nguồn vốn bổ sung từ bên ngoài. Dịch vụ bao thanh toán giúp các đơn vị bán hàng có được sự kết nối chặt chẽ giữa vốn tài trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh với khối lượng sản phẩm đầu ra tiêu thụ được. Đơn vị càng tiêu thụ được nhiều hàng thì sẽ được tài trợ càng nhiều vốn để quay vòng hoạt động kinh doanh từ các đơn vi bao thanh toán. Ngược lại, không có dịch vụ bao thanh toán, nếu
đơn vị bán cần đi vay ngắn hạn ngân hàng để tài trợ cho hoạt động kinh doanh thường xuyên của mình, thì yếu tố quyết định tới mức vốn được vay không phải là mức tiêu thụ đầu ra mà là việc phân tích khả năng thanh toán ngắn hạn thể hiện trên bảng cân đối kế toán cuối kỳ trước của đơn vị.
Một lý do quan trọng nữa khiến các đơn vị bán hàng nên sử dụng dịch vụ bao thanh toán là các nhà quản lý sẽ không phải dành thời gian và công sức cho các khoản nợ chậm thanh toán. Việc quản lý, theo dõi và thực hiện các thủ tục thu hồi nợ sẽ do đơn vị bao thanh toán đảm nhiệm. Các nhà quản lý sẽ có thêm thời gian dành cho các công việc khác quan trọng hơn và thực sự cần đến trí tuệ của họ. Bên cạnh đó, các đơn vị sử dụng dịch vụ bao thanh toán không những sẽ không phải gánh chịu các chi phí vận hành hệ thống theo dõi tiền hàng bán chịu mà còn được cung cấp các dịch vụ chuyên nghiệp hơn và hiệu quả hơn từ các đơn vị bao thanh toán.
Tuy nhiên, một nhược điểm quan trọng của dịch vụ bao thanh toán là khách hàng sẽ thanh toán trực tiếp cho đơn vị bao thanh toán chứ không phải cho đơn vị bán hàng, nên có thể tạo ra một hình ảnh không tốt về thái độ đối với khách hàng của đơn vị bán hàng. Sử dụng dịch vụ bao thanh toán cũng có thể ngụ ý rằng đơn vị bán hàng đang cần tiền mặt một cách nhanh chóng và do đó có thể đặt dấu hỏi về sự ổn định tài chính của đơn vị bán hàng.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét