Việt Nam mới chỉ có 3% tổng số giao
dịch thực hiện dưới hình thức không dùng tiền mặt và 60% dân số chưa có tài
khoản ngân hàng.
Thanh toán không dùng tiền mặt đã trở thành phương thức
thanh toán phổ biến tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới như Bỉ, Pháp,
Canada với giá trị chi tiêu không dùng tiền mặt của người dân chiếm tới hơn 90%
tổng số giao dịch hằng ngày.

Ở Việt Nam, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tỷ
lệ sử dụng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán đang có xu hướng giảm dần
từ 20,3% năm 2004 xuống 14% năm 2010 và hiện còn khoảng 12%. Có hơn 65% đơn vị
thực hiện chi trả lương qua tài khoản cho đến năm 2013.
Khi thanh toán không tiền mặt được khuyến khích và đưa vào như một phương
thức thanh toán chính yếu trong xã hội sẽ đem lại nhiều lợi ích để thúc đẩy nền
kinh tế phát triển bền vững. Nó sẽ tạo sự minh bạch trong các khoản chi tiêu và
giao dịch của Chính phủ, các đơn vị kinh doanh và cá nhân, giúp dòng chảy tiền
tệ được lưu thông rõ ràng và trơn tru hơn.
Theo ông Arn Vogels, Giám đốc khu vực Đông Dương của MasterCard, trong mô
hình 5 bước của một nền kinh tế chuyển đổi từ thanh toán tiền mặt sang thanh
toán điện tử (cụ thể bằng thẻ), Việt Nam đang dừng chân ở bước 2 và bước 3.
"Tức là người tiêu dùng đã ý thức sự hiện diện của thẻ, biết sử dụng
thẻ trong các giao dịch hằng ngày nhưng vẫn chưa hình thành thói quen dùng thẻ
thường xuyên", ông Arn Vogels lý giải.
Có rất nhiều lý do dẫn đến việc làm chậm "Hành trình không tiền
mặt" này ở Việt Nam, nhưng nguyên nhân chính là thói quen tiêu dùng tiền
mặt đã trở thành truyền thống lâu đời của người Việt và quy mô giao dịch của
các cá nhân còn hạn chế.
Ngoài ra sự hạn chế trong cơ sở hạ tầng cũng ảnh hưởng không ít. Hiện tại,
cả nước có khoảng 120.000 điểm thanh toán chấp nhận thẻ (POS) trên tổng 90
triệu dân, chỉ chiếm khoảng 1% dân số và phần lớn các điểm này lại tập trung ở
các thành phố trung tâm. Đây là con số khá thấp và cần được gia tăng để mở rộng
mạng lưới chấp nhận thẻ. Nhưng chi phí trang bị thiết bị thanh toán thẻ POS khá
đắt so với khả năng của các cửa hàng vừa và nhỏ, lên đến khoảng 600 USD một
máy.
Nhiều ngân hàng tại Việt Nam đẩy mạnh dịch vụ ngân hàng điện tử
(e-banking), đặc biệt là dịch vụ thẻ, đầu tư vào cơ sở hạ tầng để mở rộng mạng
lưới chấp nhận thẻ (máy ATM và POS) nhằm thúc đẩy hành trình không tiền mặt.
Đơn cử SCB vừa ra mắt sản phẩm thẻ SCB MasterCard nhằm cung cấp nhiều hơn các
dịch vụ cho khách hàng, tạo thói quen chi tiêu, mua sắm theo xu hướng tiêu dùng
hiện đại cho người dân. Không chỉ SCB mà nhiều ngân hàng tại Việt Nam như BIDV,
VPBank, VIB, SHB, HDBank, VietCapital Bank…cũng phát hành MasterCard.

Thay vì chỉ rút tiền qua ATM, chuyển khoản như hiện nay, các ngân hàng đã
tích hợp trên thẻ ATM các dịch vụ gia tăng như thanh toán tiền điện, nước, điện
thoại, mua vé máy bay, bảo hiểm, kết hợp với nhiều đối tác để phát hành thẻ
đồng thương hiệu, đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn để đẩy mạnh việc
thanh toán không dùng tiền mặt.
Ông Arn Vogels nhận xét Việt Nam có lợi thế về hạ tầng điện thoại, đặc biệt
là điện thoại thông minh và Internet rất phát triển so với các nước trong khu
vực. Wi-Fi phổ biến và được phủ sóng khắp nơi. Báo cáo của hãng nghiên cứu thị
trường GFK, từ tháng 6/2012 - 6/2013 đã chỉ ra số lượng người dùng smartphone
chiếm gần 20% dân số và có đến 41% số người dùng smartphone để mua sắm sản
phẩm. Đây sẽ là nền tảng rất thuận lợi để đưa ra các giải pháp thanh toán điện
tử.
MasterCard cũng đưa ra giải pháp dùng công nghệ mPOS có khả năng biến chiếc
smartphone của người bán thành một chiếc máy đọc thẻ di động và chấp nhận thanh
toán qua thẻ. Thiết bị này sẽ sử dụng mạng điện thoại để kết nối dữ liệu giữa
thẻ với ngân hàng thanh toán và được mã hóa nhiều tầng, theo tiêu chuẩn an toàn
giao dịch của MasterCard nên hoàn toàn an toàn cho người sử dụng.
Các công ty bảo hiểm ở Việt Nam sẽ là đối tượng tiềm năng để sử dụng công
nghệ này, khi trên thực tế phương thức thanh toán và thu phí bằng tiền mặt của
các đại lý hầu như đựơc tiến hành trực tiếp tại nhà người mua bảo hiểm. Chiếc
máy mPOS nhỏ gọn này sẽ tăng tính tiện lợi cho các đại lý khi giao dịch với
khách hàng.
Bên cạnh đó, ông Arn Vogels cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc làm việc
trực tiếp với các đối tác như siêu thị, ngân hàng để đưa ra các chương trình ưu
đãi, khuyến khích người dân chi tiêu thẻ, đồng thời nâng cao nhận thức người
tiêu dùng để giảm dần thói quen sử dụng tiền mặt trong đời sống.

Ngoài ra, Chính phủ đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình này với
việc làm gương cho người dân bằng các chi tiêu hằng ngày của mình qua hình thức
thanh toán điện tử.
Theo: VnExpress.net
0 nhận xét:
Đăng nhận xét