Khẳng định toàn cầu hóa truyền thông đại chúng đã trở thành hiện thực từ giữa thế kỷ XX, trong bài viết này, tác giả không chỉ tập trung làm rõ thực chất của toàn cầu hóa truyền thông đại chúng được thể hiện ở sự phát triển nhanh chóng về sức mạnh của các loại hình phương tiện và các chủ thể chi phối, ở sự quy chuẩn hóa công nghệ truyền thông diễn ra trên phạm vi toàn cầu và ở môi trường truyền thông, mà còn chỉ ra và phân tích các yếu tố điều kiện của nó, những hệ quả của nó, cả những hệ quả tích cực lẫn hệ quả tiêu cực.
Từ những năm đầu thế kỷ XX, nhiều nhà khoa học đã dự báo về khả năng phát triển mạnh mẽ có tính chất bùng nổ và mở rộng quy mô ảnh hưởng toàn thế giới của các phương tiện truyền thông đại chúng, dẫn tới việc thu nhỏ không gian và thời gian thông tin - truyền thông trên phạm vi toàn thế giới, hình thành “làng thông tin toàn cầu”. Những dự báo đó đã dần trở thành hiện thực từ những năm giữa thế kỷ XX khi nhân loại bước vào cuộc cách mạng khoa học – công nghệ lần thứ ba - cuộc cách mạng tin học, với sự ra đời của mạng máy tính Internet, hệ thống cáp quang và hệ thống vệ tinh địa tĩnh.
Thực chất của toàn cầu hóa truyền thông đại chúng
Thực chất của toàn cầu hóa truyền thông đại chúng là quá trình phát triển mạnh mẽ, mở rộng
quy mô hoạt động, phạm vi ảnh hưởng ra toàn cầu của các phương tiện truyền thông đại chúng.
Có thể thấy nội dung của toàn cầu hóa truyền thông đại chúng được phản ánh ở những tiến
trình thực tiễn sau:
- Sự phát triển nhanh chóng về sức mạnh của các loại hình phương tiện và các chủ thể chi phối truyền thông đại chúng là nội dung đầu tiên của toàn cầu hóa truyền thông đại chúng.(*) Sự ra đời của báo chí in hiện đại vào cuối thế kỷ XVI - đầu thế kỷ XVII đã đánh dấu bước khởi đầu của kỷ nguyên truyền thông đại chúng trong tiến trình phát triển của nhân loại. Tuy nhiên, trong suốt 3 thế kỷ tồn tại và phát triển của mình (từ thế kỷ XVII đến hết thế kỷ XIX), báo in đã vận hành một cách chậm chạp với “những bước chân của người đi bộ”. Nó chỉ dần trở nên phổ biến ở Tây Âu – cái nôi ra đời của báo in cùng Bắc Mỹ và một số quốc gia, khu vực có liên hệ mật thiết với các quốc gia phương Tây. Ngay cả ở khu vực này thì báo chí cũng chỉ mới là thứ sản phẩm của văn hóa thành thị, cái thứ mà người dân nông thôn vẫn còn xa lạ. Thậm chí, đến tận cuối thế kỷ XIX, ở một số quốc gia, lãnh thổ trên thế giới, người ta vẫn chưa thấy sự hiện diện của báo in, chưa hình dung ra báo in là gì.
Tuy nhiên, khi nhân loại bước sang thế kỷ XX, tình hình đã khác hẳn. Sự ra đời của phát thanh (radio), truyền hình (television) ở nửa đầu thế kỷ, đặc biệt là sự xuất hiện của máy tính điện tử cá nhân (person computer) và tiếp theo là mạng máy tính toàn cầu (Internet) đã tạo ra bước nhảy vọt có tính chất bùng nổ trong lĩnh vực truyền thông đại chúng. Vào thời điểm hiện nay, các phương tiện truyền thông đại chúng, như báo in, phát thanh, truyền hình, quảng cáo, các loại băng, đĩa âm thanh, hình ảnh, v.v. đã hiện diện trong đời sống thường nhật, trở thành một nhu cầu sinh hoạt văn hóa không thể thiếu đối với tuyệt đại bộ phận người dân trên toàn hành tinh. Hàng tỷ người ở các quốc gia, lãnh thổ trên thế giới đang hàng ngày, hàng giờ làm việc, giải trí thông qua và bằng Internet.
Cùng với sự ra đời và phát triển nhanh chóng của các loại hình phương tiện truyền thông đại chúng, các chủ thể truyền thông đại chúng cũng phát triển mạnh mẽ về quy mô, sức mạnh ảnh hưởng. Có thể mô tả lộ trình phát triển quy mô của các chủ thể truyền thông đại chúng trên thế giới như sau:
- Ở thời điểm cuối thế kỷ XIX, thế giới chủ yếu chỉ biết đến những tờ báo độc lập, hoạt động trong phạm vị địa phương, thành phố cụ thể và ở một số ít quốc gia phát triển phương Tây mới có những tờ báo có phạm vi ảnh hưởng trên phạm vi toàn quốc.
- Đầu thế kỷ XX, bắt đầu hình thành những nền tảng đầu tiên của những tập đoàn truyền thông ảnh hưởng trong phạm vi quốc gia.
- Giữa thế kỷ XX, các tập đoàn truyền thông bắt đầu quá trình mở rộng tầm hoạt động, quy mô ảnh hưởng ra phạm vi toàn cầu.
- Cuối thế kỷ XX, các tập đoàn truyền thông khổng lồ đẩy nhanh quá trình toàn cầu hóa; bắt đầu sự hội tụ, tích hợp các loại hình truyền thông và các loại hình dịch vụ sống trên mạng Internet.
- Đầu thế kỷ XXI, truyền thông đa loại hình bắt đầu chi phối hoạt động sống của con người trên phạm vi toàn cầu.
Các tập đoàn truyền thông Mỹ dẫn đầu thế giới về quy mô và sức mạnh tiền bạc cũng như phạm vi ảnh hưởng. Theo số liệu thống kê năm 2008, Tập đoàn Walt Disney có 150.000 nhân viên với doanh thu 37,843 tỷ USD. Số liệu tương tự của 4 tập đoàn truyền thông hàng đầu khác của Mỹ như sau: News Corp: 64.000 nhân viên, 32,996 tỷ USD; Time Warner: 86.400 nhân viên, 17,2 tỷ USD; Viacom: 11.500 nhân viên, 14,625 tỷ USD; Gannet Inc: 41.500 nhân viên, 6,767 tỷ USD. Chỉ riêng tập đoàn mẹ Time Warner đã kiểm soát 6 công ty con với quy mô như những tập đoàn trực thuộc (AOL, Time Broadcasting, Warner Bros, HBO, Ubu, Time Inc), trong đó có những tên tuổi hiện diện hàng ngày trên toàn thế giới, như các kênh truyền hình CNN, TNT, Cartoon Network, TBS... thuộc Time Broadcasting, các kênh truyền hình giải trí Cinemax, HBO thuộc HBO.
Nhờ sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông đại chúng, thông tin về mọi sự kiện đang diễn ra ở bất cứ đâu trên hành tinh đều có thể được ngay lập tức tung lên các phương tiện truyền thông đại chúng để đưa đến người nhận ở mọi quốc gia, khu vực. Trên thực tế, thế giới ngày nay đã trở nên nhỏ bé như một “ngôi làng truyền thông”, nếu xét theo khoảng cách không gian và thời gian vận hành dòng thông tin.
Tải tài liệu: Toàn cầu hóa truyền thông đại chúng và những hệ quả của nó
Theo Thanhtoanhoadon.vn - Thanh toan hoa don
0 nhận xét:
Đăng nhận xét